Bé gái viêm da nặng do tiếp xúc với sứa biển: Cách nhận biết sứa độc khi đi tắm biển

Khoa Da liễu - Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận điều trị trường hợp bé gái N.P.L (10 tuổi), bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa trong khi tắm biển. Sứa biển độc như thế nào? Làm sao để nhận biết sứa độc khi đi tắm biển?

Tổn thương da nặng vì vòng tay ôm sứa

Theo lời kể của mẹ bé P.L, ngày 01/5, khi bé đang vui chơi với sóng biển thì thấy có vật thể dạt lại gần. Vật thể trong suốt (loài sứa biển) rất đẹp nên trẻ đã vòng tay ôm. Sau đó trẻ bị tổn thương da nặng, bao gồm dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy, kèm theo ngứa, bỏng rát, châm chích tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên, ở vị trí tiếp xúc với xúc tu sứa.

Nhờ sự phối hợp giữa khoa Da liễu và khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khoảng một tuần điều trị với các biện pháp kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa, thuốc bôi và chăm sóc tại chỗ, tình trạng của trẻ đã dần cải thiện, vị trí vùng da tổn thương hết sưng nề, không còn trợt rỉ dịch.

Tổn thương da của bé P.L trước điều trị

Tổn thương da của bé P.L trước điều trị

Sứa biển độc như thế nào?

Ở Việt Nam thời gian có sứa gây ngứa xuất hiện hầu hết các tháng trong năm. Các bãi tắm thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Vũng Tàu cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa ngứa (Chrysaora), xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm đúng, vào mùa du lịch biển.

Sứa thuộc động vật thân mềm, không xương, sống ở môi trường nước. Cơ thể của sứa chủ yếu là nước (95%) và protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ (5%). Kích thước và màu sắc của loài sứa rất đa dạng. Cấu tạo của sứa bao gồm phần thân hình trong suốt với xúc tu dài có thể lên đến 60m tùy loài, chứa hàng ngàn sợi lông xoắn giống như gai có nọc độc. Trên xúc tu có hàng triệu tế bào châm nhỏ li ti, các tế bào này sẽ phóng ra những sợi lông tẩm độc, đâm xuyên qua da và tiêm độc tố vào cơ thể con người hoặc các sinh vật khác khi tiếp xúc phải sứa độc.

Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu nhẹ, nạn chân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Ở thể nặng có thể khiến người chạm phải đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

Nhận biết sứa độc

Theo các nhà hải dương học, tại Việt Nam có các loài sứa độc là sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng.

Sứa lửa (Physalia physalis) hay có tên khác là chiến binh Bồ Đào Nha. Loại sứa này có nhiều xúc tu dài và trong suốt, màu hơi xanh, nhìn như túi nilon. Các xúc tu chứa độc tố gây đau rát, bỏng da, thậm chí gây tử vong cho người tiếp xúc do có chứa độc tố Physaliatoxin.

Khi da tiếp xúc với sứa lửa, triệu chứng đầu tiên là đau và bỏng rát như lửa đốt. Sau đó, các vết quật của sứa lửa trên cơ thể có màu đỏ hoặc nâu tím, phồng rộp, nổi bọng nước. Trường hợp nặng, vị trí cơ thể người tiếp xúc sứa lửa sẽ sưng phù, xuất huyết dưới da, loét và hoại tử da. Triệu chứng có thể kéo dài đến 1-2 tuần. Một số trường hợp nặng hơn với các biểu hiện khó thở, buồn nôn, tăng nhịp tim, đau ngực, tiêu chảy và sốc phản vệ.

Sứa bắp cày (Chironex fleckeri) được xem là loại sứa độc nhất trong số các loài sứa hộp. Triệu chứng da khi tiếp xúc sứa bắp cày là rát bỏng như chạm vào thanh sắt nung nóng, đau nhức dữ dội. Vùng da tiếp xúc nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu phồng rộp, đỏ đậm hoặc tím bầm.

Sứa vòng (Linuche unguiculata) có màu trong suốt nhưng thường thấy màu nâu cam từ tảo cộng sinh trên thân mình sứa. Vùng da tiếp xúc với sứa vòng là sẽ đau dữ dội hàng giờ với rát đỏ, sưng tấy và phồng rộp. Các triệu chứng này nếu không nghiêm trọng sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây viêm loét, hoại tử da.

Sứa lửa có nhiều xúc tu dài và trong suốt, màu hơi xanh, nhìn như túi nilon. Các xúc tu chứa độc tố gây đau rát, bỏng da, thậm chí gây tử vong cho người tiếp xúc do có chứa độc tố Physaliatoxin.

Sứa lửa có nhiều xúc tu dài và trong suốt, màu hơi xanh, nhìn như túi nilon. Các xúc tu chứa độc tố gây đau rát, bỏng da, thậm chí gây tử vong cho người tiếp xúc do có chứa độc tố Physaliatoxin.

Cách xử lý ban đầu khi bị sứa đốt

Khi nạn nhân tiếp xúc với sứa, nếu có một trong các biểu hiện như: buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, tím tái, gia đình cần bình tĩnh, gọi hỗ trợ từ nhân viên y tế gần nhất.

Cố gắng giữ cho nạn nhân hạn chế cử động, hạn chế chà xát vào vùng da đã tiếp xúc với sứa. Sau đó ngay lập tức lấy con sứa ra khỏi cơ thể của nạn nhân. Lưu ý khi lấy sứa nhớ đeo găng tay hoặc lót tay bằng túi nilon để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với độc tố tiết ra từ xúc tu của sứa.
Rửa sạch vết thương với nước biển, chú ý không rửa bằng nước ngọt do việc thay đổi áp suất có thể kích thích xúc tu còn trên da giải phóng độc tố. Nếu có sẵn giấm (acid acetic 3-5%), có thể rửa vùng tổn thương với giấm trong vòng 30 giây để ức chế tế bào giải phóng độc tố trên các xúc tu sứa.
Sử dụng những vật dụng sẵn có như thìa, thẻ cạo nhẹ nhàng lên vết sứa tiếp xúc để loại bớt những tế bào độc của sứa trên da.
Có thể giảm đau bằng việc chườm ấm hoặc xả dưới vòi nước ấm (khoảng 40-45 độ) trong vòng 20 phút hoặc chườm đá bọc trong túi nilon sạch. Thuốc giảm đau dễ tìm như ibuprofen hoặc paracetamol.
Làm dịu tổn thương da bằng kem/nhũ tương dưỡng ẩm, giảm ngứa, giảm sưng đau bằng kem chứa thành phần corticoid, kháng histamin.
Chú ý không bôi đắp lá, thuốc không rõ loại, hay rửa vết thương bằng nước tiểu vì có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng tổn thương.
Sau khi xử lý ban đầu, nạn nhân cần được đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được đánh giá mức độ nặng, điều trị chăm sóc vết thương kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

Làm gì nếu cơ thể phản ứng sau khi ăn sứa?

Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, ngộ độc do ăn sứa chưa được xử lý đúng cách vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào những tháng hè. Sứa biển là sinh vật có chứa các tế bào châm (nematocyst) ở xúc tu, tiết ra độc tố để tự vệ. Khi ăn phải sứa còn tươi hoặc sứa chưa qua khử độc đúng quy trình, người ăn có thể bị nhiễm độc tố này.

Các triệu chứng thường gặp sau khi ăn sứa nhiễm độc gồm: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, tức ngực, đau đầu, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, nặng hơn có thể dẫn đến co giật, hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp bạn hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau khi ăn sứa như buồn nôn, nổi mẩn đỏ, đau bụng, khó thở… cần nhanh chóng:

Ngừng ăn ngay lập tức.

Gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Mang theo phần sứa đã ăn nếu còn để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán.

Không tự ý uống thuốc chống dị ứng hoặc chống nôn, tránh làm sai lệch triệu chứng.

BS Hương Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-gai-viem-da-nang-do-tiep-xuc-voi-sua-bien-cach-nhan-biet-sua-doc-khi-di-tam-bien-169250526113559553.htm

OSZAR »