Châu Âu lại việt vị trong đàm phán Nga-Ukraine

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn 2 nước Nga và Ukraine đã chính thức khai màn vào ngày 16/5, chậm một ngày so với đề xuất ban đầu (15/5) của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và lại khiến cho châu Âu một lần nữa rơi vào thế việt vị trong ý đồ gia tăng áp lực buộc Nga phải chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện 30 ngày.

Vài ngày trước khi cuộc đàm phán diễn ra, lãnh đạo các quốc gia chủ chốt châu Âu đã có những động thái chuẩn bị để tham gia vào cuộc chiến gây áp lực đối với nước Nga và Tổng thống Putin. Ngày 10/5, lãnh đạo 4 nước châu Âu gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lần đầu tiên cùng nhau có mặt tại Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.

Các lãnh đạo châu Âu đến Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để gây áp lực đòi Nga chấp nhận ngừng bắn ngay lập tức.

Các lãnh đạo châu Âu đến Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để gây áp lực đòi Nga chấp nhận ngừng bắn ngay lập tức.

Tại cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Tổng thống Nga Putin hoặc là ký lệnh ngừng bắn vô điều kiện vào ngày 12/5, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt gia tăng và việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Putin đã trả lời đơn giản bằng cách tuyên bố rằng ông không tin Ukraine đã tôn trọng lệnh ngừng bắn trước đó mà Moscow đã đơn phương kêu gọi. Và Tổng thống Putin đã đưa ra đề nghị đàm phán trực tiếp giữa 2 nước Nga và Ukraine vào ngày 15/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đề xuất ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mục đích của chuyến thăm Kiev của các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan là gây áp lực buộc ông Trump phải thừa nhận rằng ông Putin đang trì hoãn và Mỹ không có lựa chọn chính trị nào khác ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Nga. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cũng đã chuẩn bị một gói trừng phạt được quốc hội ủng hộ rộng rãi. Trước đó, Các bộ trưởng ngoại giao châu Âu cũng đã có mặt tại Lviv, Ukraine vào ngày 9/5 trong nỗ lực gây sức ép lên Nga, bao gồm cả việc tuyên bố có kế hoạch xét xử các nhà lãnh đạo Nga trước một tòa án đặc biệt. Anh đã công bố các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với “đội tàu bóng tối” của Nga.

Một phần do sự can thiệp của ông Trump, Anh hiện đã hoãn các biện pháp tiếp theo dự kiến sẽ được công bố vào ngày 12/5, nhưng EU vẫn đang tiếp tục các kế hoạch cho một gói trừng phạt khác vào cuối tháng 5. Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết EU sẽ bắt đầu thực hiện các lệnh trừng phạt nếu không có lệnh ngừng bắn vào ngày 12/5.

Tuy nhiên, yếu tố thay đổi cuộc chơi sẽ là các lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ, không chỉ vì tác động kinh tế mà còn do biểu tượng chính trị khi ông Trump thừa nhận rằng ông Putin là trở ngại chính đối với một giải pháp.

Các nhà ngoại giao cho biết Tổng thống Ukraine Zelensky không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời mời đàm phán của Tổng thống Putin tại Istanbul, vì sợ làm mất lòng ông Trump. Họ cũng cho rằng Tổng thống Putin đưa ra lời đề nghị đàm phán trực tiếp nhằm không làm mất lòng Tổng thống Mỹ và tránh áp lực ngày càng tăng của châu Âu đối với ông Trump nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn.

Trước cuộc họp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte sáng 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói: “Tôi sẽ nói điều này và tôi sẽ nhắc lại rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc chiến này sẽ kết thúc không phải thông qua giải pháp quân sự mà thông qua giải pháp ngoại giao, và càng sớm đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến này thì càng ít người chết và càng ít sự tàn phá. Và cuối cùng đó là mục tiêu của tổng thống”.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky, với sự hậu thuẫn của các lãnh đạo châu Âu, đã đưa ra yêu cầu Tổng thống Putin phải xuất hiện tại Istanbul để đàm phán trực tiếp với ông. Ông Zelensky đã liên tục hối thúc Tổng thống Putin, khẳng định ông chỉ đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin, người có quyền ra quyết định đối với cuộc chiến, chứ không đàm phán với cấp thấp hơn. Sau 3 ngày im lặng, trong một tuyên bố vào cuối ngày 14/5, Điện Kremlin cho biết phái đoàn của họ sẽ do Vladimir Medinsky, một phụ tá cứng rắn của Tổng thống Putin, người đã dẫn đầu vòng đàm phán trực tiếp duy nhất trước đó giữa Nga và Ukraine vào năm 2022, dẫn đầu. Ngay sau thông báo của Điện Kremlin, một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump cũng sẽ không tham gia các cuộc đàm phán. Trước đó, ông Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ nếu Tổng thống Putin có mặt.

Medinsky, cựu Bộ trưởng Văn hóa Nga, cùng với Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin và Igor Kostyukov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Nga, tham gia tại Istanbul.

Quyết định bổ nhiệm ông Medinsky làm người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Nga cho thấy Moscow muốn khôi phục các cuộc đàm phán theo hướng của vòng đàm phán Istanbul năm 2022, bao gồm các yêu cầu như hạn chế quân đội Ukraine và ngăn chặn quân đội này tái thiết với sự hỗ trợ của phương Tây. Kiev đã bác bỏ các điều khoản này, cho rằng không thể chấp nhận được.

Sau khi phái đoàn Nga đến Istanbul, Tổng thống Zelensky tiếp tục không chịu đàm phán, khăng khăng đòi gặp cho được Tổng thống Putin, “không gặp không về”. Tuy nhiên, ông Zelensky có quá ít sựa lựa chọn trong ván cờ này, vì thế cuối cùng ông cũng đành nhượng bộ. Chiều ngày 15/5, Ukraine cuối cùng cũng đã cử phái đoàn đến Istanbul để đàm phán với phái đoàn Nga. Cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất căng thẳng, sau khi hai bên “đấu khẩu kịch liệt” trước khi bước vào bàn đàm phán.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-lai-viet-vi-trong-dam-phan-nga-ukraine-i768783/

OSZAR »