Báo động đỏ cứu người bệnh vỡ phình động mạch chủ bụng

Vỡ phình động mạch chủ bụng thường xảy ra ở người có các bệnh lý mạch máu, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, có bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Ngày 28/5, khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, cứu sống người bệnh 70 tuổi vỡ phình động mạch chủ bụng nguy kịch.

Gia đình và ông Nguyễn Bỉnh K. (Đức Chính - Đông Triều) chưa hết bàng hoàng vì tình trạng diễn biến rất nhanh. Trước đó ông chưa từng phát hiện bệnh lý về động mạch chủ bụng.

Ngày vào viện, khi ở nhà người bệnh xuất hiện đau bụng nhiều. Tình trạng tăng, cơ đau dữ dội khiến ông Khiêm mệt lả và khó thở. Gia đình đã nhanh chóng đưa ông đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.

Tại bệnh viện, ông Khiêm có biểu hiện đau bụng dữ dội, da xanh nhợt, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.

Kết quả chụp CT.Scanner phát hiện phình động mạch chủ ngực đoạn dưới thận lan đến động mạch chậu 2 bên, khối phình đã vỡ gây tụ máu sau phúc mạc số lượng lớn.

 Khối phình vỡ máu tràn ra ổ bụng trên phim chụp - Ảnh BVCC

Khối phình vỡ máu tràn ra ổ bụng trên phim chụp - Ảnh BVCC

ThS.BS Nguyễn Quang Toản, Phó Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực bệnh viện cho biết, ngay khi chẩn đoán người bệnh bị vỡ động mạch chủ bụng, kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ.

Từ phòng mổ, kíp phẫu thuật, nguồn máu dự trù được nhanh chóng chuẩn bị và sẵn sàng để đảm bảo cho ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng. Người bệnh đồng thời được truyền máu, dùng thuốc vận mạch và phẫu thuật cùng lúc.

Các bác sĩ đã nhanh chóng kẹp động mạch, chủ bụng trên và dưới túi phình để ngăn không cho máu tiếp tục chảy ra ổ bụng.

Trong quá trình phẫu thuật ghi nhận ổ bụng của người bệnh có khoảng 2.000ml máu loãng lẫn máu cục, cùng 1 vết rách lớn ở động mạch chủ vỡ vào sau phúc mạc.

Người bệnh được thay đoạn động mạch chủ bụng bị phình bằng một đoạn động mạch nhân tạo.

Bằng sự nhanh chóng, chính xác và sự phối hợp nhịp nhàng, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định, trong niềm vui mừng của gia đình gia đình vì người thân đã được cứu sống khỏi lưỡi hái tử thần.

 Bệnh nhân đã hồi phục - Ảnh BVCC

Bệnh nhân đã hồi phục - Ảnh BVCC

Theo ThS.BS Nguyễn Quang Toản, phình động mạch chủ bụng thường diễn ra âm thầm, nhiều khi không có triệu chứng. Các trường hợp vỡ phình động mạch chủ bụng diễn ra đột ngột, tỷ lệ tử vong cao vì mất máu nhiều dẫn đến sốc mất máu và tử vong trước khi đến viện.

Bệnh thường xảy ra ở người có các bệnh lý mạch máu, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, có bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Do vậy người dân cần chủ động thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch – phẫu thuật thuật mạch máu để được tầm soát, chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng vỡ phình nguy hiểm.

Triệu chứng phình động mạch chủ bụng thường gặp

Hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ bụng đều không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Đây là lý do khiến bệnh rất khó phát hiện. Một số khối phình động mạch không bao giờ vỡ mà giữ nguyên kích thước nhỏ. Số khác lớn lên theo thời gian, khi tốc độ phình tiến triển nhanh sẽ có nguy cơ dọa vỡ cực kỳ nguy hiểm.

Nếu khối phình động mạch chủ bụng đang phát triển, người bệnh có thể cảm thấy: Đau sâu, liên tục ở vùng bụng hoặc một bên bụng; Đau lưng; Vùng xung quanh rốn đập mạnh (giống như đánh trống ngực).

Khi khối phình vỡ, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay. Các triệu chứng báo hiệu tình trạng này là: Da nhợt, chân tay lạnh, đổ mồ hôi; Chóng mặt; Ngất xỉu; Tim đập nhanh; Buồn nôn và nôn; Khó thở; Đau đột ngột ở bụng, lưng dưới, chân với mức độ tăng dần.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/bao-dong-do-cuu-nguoi-benh-vo-phinh-dong-mach-chu-bung-post1544110.html

OSZAR »