Nga-Ukraine tung đòn 'ăn miếng trả miếng' trên thực địa: 'Quay lưng' với đàm phán hay nước cờ định đoạt cục diện mới?
Nga và Ukraine liên tục có các động thái mới trên thực địa, tăng cường các cuộc tấn công vào nhau. Thực ra, Moscow và Kiev không 'quay lưng' với các nỗ lực đàm phán hòa bình mà muốn giành lợi thế trong hòa đàm sắp tới.

Nga liên tiếp mở các cuôc tấn công UAV quy mô lớn vào Ukraine. (Nguồn: Reuters)
Ukraine và những đêm "trắng"
Liên tiếp trong 3 đêm qua, Nga mở các cuộc không kích quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tại nhiều khu vực của Ukraine.
Theo Không quân Ukraine, phía Nga đã phóng 9 tên lửa hành trình Kh-101 từ máy bay ném bom Tu-95MS và triển khai số lượng kỷ lục 355 UAV trong đêm 26-5 nhằm vào Ukraine.
Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 9 tên lửa và vô hiệu hóa 288 UAV Nga.
Cuộc tấn công này là cuộc tấn công bằng UAV quy mô lớn nhất nhằm vào Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Con số 366 UAV đã vượt qua kỷ lục trước đó trong cuộc tấn công đêm 25/5 của Nga là 298 UAV.
Nga đã mở đợt tấn công trên không kéo dài ba ngày từ ngày 24/5 - 26/5, nã hơn 600 UAV và hàng chục tên lửa vào Ukraine.
Nhân chứng mô tả đây là "địa ngục lửa", với các vụ nổ làm rung chuyển thành phố Kiev và nhiều thành phố lân cận, ánh sáng từ vụ nổ chiếu sáng bầu trời.
Giới chức Ukraine cho biết cuộc tấn công đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương, trong đó có 3 trẻ em ở Zhytomyr. Nhiều khu vực như Kharkov, Mykolaev, Ternopil chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, với cơ sở hạ tầng dân sự, tòa nhà dân cư và ký túc xá đại học bị phá hủy hoặc hư hại.
Thông điệp từ Moscow
Ngày 26/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đang mở các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine để đáp trả việc Ukraine tấn công UAV vào các cơ sở dân sự của Nga.
"Chúng tôi chứng kiến Ukraine tấn công vào các cơ sở hạ tầng xã hội và dân sự. Đây là các cuộc tấn công trả đũa của chúng tôi và chúng nhằm vào các cơ sở quân sự và các mục tiêu quân sự", ông Peskov khẳng định.
Cũng trong ngày 26/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 220 UAV Ukraine và bảy quả bom thông minh JDAM do Mỹ sản xuất ở nhiều khu vực trong ngày.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng cuộc không kích quy mô lớn của Nga mang nhiều mục đích chiến lược và chính trị, trong bối cảnh hai bên sắp bước vào các vòng đàm phán tiềm năng để "định đoạt" cục diện chiến sự.
Để tăng lợi thế đàm phán, gần đây Ukraine tiến hành hơn 800 cuộc tấn công bằng UAV vào các cơ sở năng lượng và quân sự trên lãnh thổ Nga.
Các cuộc không kích dữ dội những ngày qua được coi là đòn "ăn miếng trả miếng" như vậy, đồng thời phát đi thông điệp Nga có khả năng đáp trả mạnh mẽ hơn bất cứ hành động tấn công nào của Ukraine, nhằm ngăn Kiev tiếp tục các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), Nga đã tăng cường sản xuất drone tại khu vực Alabuga ở Tatarstan, với mục tiêu sản xuất 6.000 UAV Geran-2 vào cuối năm 2025. Cuộc không kích ồ ạt ngày 25/5 và 26/5 được coi là minh chứng cho năng lực sản xuất và triển khai quy mô lớn UAV của Nga, nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine.
"Nga thường sử dụng các hành động quân sự để làm lu mờ những tiến bộ ngoại giao. Cuộc không kích này nhằm gây áp lực lên Ukraine, buộc họ phải phân tán nguồn lực giữa ứng phó với các cuộc tấn công và duy trì nỗ lực nhân đạo", chuyên gia phân tích chiến lược Orysia Lutsevych từ Viện Chatham House nhận định.
Chuyên gia quân sự Seth Jones từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo nếu Ukraine không nhận được thêm hỗ trợ về hệ thống phòng không hiện đại, họ sẽ khó lòng chống đỡ các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Bên cạnh thông điệp về chiến lược, bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự, Nga còn muốn gửi thông điệp cứng rắn đến phương Tây, qua đó củng cố vị thế trên bàn đàm phán. Nga cũng phát đi tín hiệu về chính trị với Ukraine rằng họ không sẵn sàng nhượng bộ trong đàm phán hòa bình, trừ khi các điều kiện tiên quyết của Moscow được đáp ứng, bao gồm việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giải giáp quân đội và công nhận quyền kiểm soát các khu vực Nga sáp nhập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng với cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. (Nguồn: AFP)
Phản ứng mạnh từ ông Trump
Sau bao nỗ lực kết nối ngoại giao, rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy nản lòng trước thái độ "ăn miếng trả miếng" từ Moscow và Kiev.
Sáng 26/5, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông luôn có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Vladimir Putin, nhưng đã có điều gì đó xảy ra với nhà lãnh đạo Liên bang Nga.
Theo Tổng thống Trump, ông Putin “đã hoàn toàn trở nên mất kiểm soát” và thực tế tình hình cho thấy dường như đang chứng minh việc ông Putin “muốn toàn bộ Ukraine, chứ không chỉ một phần” là đúng.
Trong dòng trạng thái trên Truth Social, ông Trump cũng đề cập tới Tổng thống Zelensky, cho rằng ông Zelensky “không mang lại điều gì tốt đẹp cho đất nước” Ukraine và mọi lời nói của ông Zelensky “đều gây ra vấn đề”, "tốt hơn hết là dừng lại".
Cả phía Liên bang Nga và phía Ukraine đều chưa đưa ra phản ứng lập tức đối với bình luận mới nhất nêu trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Donald Trump hiện vẫn đang nỗ lực tìm kiếm bên trung gian cho hòa đàm Nga-Ukraine.
Người đứng đầu chính phủ Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni đã đăng trên mạng xã hội X vào ngày 20/5 về cuộc điện thoại của bà với Giáo hoàng Leo XIV nhằm thảo luận về "các bước tiếp theo cần thực hiện để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nguyên thủ quốc gia châu Âu đã kêu gọi bà Meloni "đánh giá thiện chí" của Tòa thánh trong việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Và Giáo hoàng đã xác nhận thiện chí của mình trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tại Vatican giữa cả hai bên trong cuộc xung đột.
Sự kiện lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV vào ngày 18/5 càng củng cố thêm vai trò tiềm năng này. Ông đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đồng thời, Giáo hoàng Leo XIV cũng đã tiếp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, trong đó vấn đề liên quan đến Ukraine cũng được thảo luận.