Người tạo ra iPhone đang quay lại bằng thiết bị AI 'nằm trong đầu người dùng'
Kiến trúc sư của iPhone đang quay trở lại, nhưng không phải với Apple, mà với Open AI, để tạo ra một thiết bị AI mới, có thể tồn tại bên trong bạn!

Sam Altman, CEO của OpenAI, đã thuê Jony Ive để tạo ra một thiết bị AI mới, có thể sẽ khai tử iPhone - món đồ do chính Ive góp phần tạo ra. Ảnh: Pixabay
Theo trang Asia Times, Sam Altman không chỉ đang nhắm vào công việc của bạn. Ông đang nhắm tới điện thoại của bạn, và có thể cả linh hồn bạn.
OpenAI vừa chi 6,5 tỷ USD để thâu tóm một công ty phần cứng bí mật, được sáng lập bởi Jony Ive – người từng góp phần tạo nên chiếc iPhone như chúng ta biết ngày nay. Bạn có thể không biết tên Ive, nhưng chắc chắn bạn "chạm" đến công việc của ông, theo đúng nghĩa đen, và hằng ngày.
Khi nhắc đến iPhone, chúng ta thường nghĩ đến Steve Jobs – chiếc áo cổ lọ đen, cái tôi kiêu hãnh, và hào quang như một đấng cứu thế. Nhưng người thực sự tạc nên hình hài iPhone chính là Ive – kiến trúc sư đứng sau những món đồ công nghệ hào nhoáng và quyến rũ của Apple. Chính ông khiến điện thoại trở thành một lối sống, chứ không chỉ là công cụ. Ive đã biến kim loại lạnh lẽo thành một vật thể được tôn thờ.
Giờ ông đã trở lại. Nhưng không phải với Apple, mà với OpenAI.
Và điều đó đáng để bạn quan tâm. Bởi đây không phải một dự án thiết kế nghệ thuật hay nguyên mẫu viễn tưởng cho mấy gã mọt sách trong phòng thí nghiệm. Đây là nỗ lực nghiêm túc của OpenAI nhằm chế tạo thiết bị AI đầu tiên thực sự "bản địa" – một kẻ hủy diệt dòng sản phẩm, không chỉ bổ trợ điện thoại mà còn nhắm đến việc thay thế hoàn toàn. Một thiết bị thông minh không chỉ phản hồi giọng nói, mà còn lắng nghe cả khi bạn không nói. Một thiết bị không cần chờ lệnh, vì nó đã biết bạn muốn gì.
Mục tiêu rất rõ ràng: Khai tử iPhone, khai tử giao diện và màn hình. Trở thành cỗ máy cuối cùng bạn còn mang theo bên mình.
Những gì OpenAI đang xây dựng không phải điện thoại. Nó là một hệ thống trí tuệ môi trường – có thể đeo, thậm chí cấy vào cơ thể – sống cùng bạn, trên bạn, trong bạn. Nó sẽ không cần cửa hàng ứng dụng, vì nó chính là ứng dụng. Nó thì thầm nhắc nhở, cảnh báo huyết áp, đọc biểu cảm vi mô, ghi lại trạng thái cảm xúc, theo dõi lời nói, và đưa ra câu trả lời trước khi bạn hỏi!
Đây không phải là Siri được nâng cấp. Đây là một thứ gì đó thân mật hơn rất nhiều. Nó không cần sự tương tác của bạn – nó truy lùng mô thức: hơi thở, tư thế, nhịp tim. Nó sẽ hiểu điều gì khiến bạn căng thẳng, điều gì làm bạn dịu lại, bạn đang nhắn tin với ai, và bạn đang giấu điều gì.
Nó không phải công cụ tìm kiếm. Nó là hệ thần kinh mới của bạn. Bạn không cần chạm vào nó. Bạn sẽ quên nó tồn tại. Nhưng nó luôn lắng nghe. Luôn học hỏi. Luôn dự đoán. Hãy tưởng tượng một thứ khiến Google trở nên chậm chạp, Apple trở nên lỗi thời.
Đó chính là những gì 6,5 tỷ USD vừa mua được.
Altman không thuê Ive để tạo ra thứ “ngầu”. Ông ấy thuê Ive để tạo ra thứ không thể cưỡng lại. Bởi đó là siêu năng lực của Ive: biến công nghệ xâm nhập thành tác phẩm nghệ thuật. Khiến bạn tưởng mình chọn nó. Bạn không “mua” iPhone. Bạn gia nhập một “giáo phái”.
Giờ đây, Altman sắp khai sinh một giáo phái mới.
Nếu bạn muốn công chúng chấp nhận việc bị AI giám sát liên tục, bạn không thể đưa ra một thiết bị đen kịt như sản phẩm của NSA. Bạn phải khiến nó trông như ma thuật: viền bo tròn, ánh sáng dịu nhẹ, có thể làm bằng sứ trắng.
Một thứ đủ thanh lịch để đeo nơi công cộng. Một thứ cho phép bạn tự lừa mình và nói: “Chỉ là kiểu AirPod mới thôi”. Trong khi thực chất, nó là thiết bị nghe lén thân mật nhất từng được tạo ra.
Đây không chỉ là chuyện phần cứng. Mà là chiếm lĩnh hành vi. Thứ thân mật thật sự không đến từ camera hay micro – mà đến từ sự hiện diện liên tục, liền mạch. Một thứ lúc nào cũng kề sát bạn như một linh vật số hóa. Và khi đã ở đó, bạn sẽ tin tưởng nó. Bởi vì nó sẽ hoạt động tốt. Và vì nó sẽ khen ngợi bạn.
Nó sẽ khiến bạn thông minh hơn. Ngăn nắp hơn. Năng suất hơn. Ít lo lắng hơn. Đó là chiếc móc câu: “Không phải theo dõi, nếu nó giúp bạn.”
OpenAI không chỉ dừng lại ở thiết kế. Sứ mệnh của công ty là “đảm bảo trí tuệ nhân tạo tổng quát phục vụ lợi ích toàn nhân loại.” Nhưng với tốc độ hiện nay, họ không chỉ muốn tạo ra AGI – mà muốn trở thành cánh cổng dẫn tới thực tại. Không thông qua trình duyệt. Không qua bàn phím. Mà qua thứ gì đó gần gũi hơn nhiều.
Asia Times cho rằng đây là ứng dụng cuối cùng – giao diện kết thúc mọi giao diện. Bởi một khi bạn có một người bạn đồng hành AI sống trong tai, hiểu thói quen ngôn ngữ, cung cấp phản hồi theo thời gian thực… thì tại sao bạn còn cần Google?
Tại sao phải mở điện thoại, khi thiết bị của bạn đã biết bạn đang nghĩ gì trước cả bạn? Đó là tham vọng ở đây. Không chỉ tạo ra thiết bị tốt hơn. Mà là sở hữu tương lai của tư duy.
Và điều điên rồ – hay có lẽ không điên rồ – là mọi người sẽ chấp nhận điều đó. Hân hoan. Hồ hởi. Vì nó hữu ích (ít nhất là lúc đầu). Nó sẽ giúp họ viết email hay hơn, ngủ ngon hơn, hẹn hò thông minh hơn, nhớ sinh nhật, phát hiện bệnh sớm và lên lịch sống hiệu quả hơn.
Nó sẽ trở thành một thứ ý thức từ bên ngoài, nhưng cảm giác đó sẽ rất tự nhiên. Đó chính là sự quyến rũ của sự thân mật với AI: nó sẽ hoạt động hiệu quả. Và khi điều đó xảy ra, nó sẽ trở nên không thể thiếu - như điện, như oxy vậy.