Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý, nội dung thu hút sự thảo luận của các đại biểu Quốc hội là đề xuất sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trên nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xem xét giảm án là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Song cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc toàn diện, kỹ lưỡng trên cả mặt lý luận lẫn thực tiễn khi đề xuất bỏ hình phạt, trong đó có hình phạt tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng dẫn ra thực tế thời gian qua đã áp dụng mức hình phạt tử hình đối với tội phạm về ma túy nhưng tại Việt Nam, số vụ mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy vẫn tiếp tục tăng, số đối tượng phạm tội này tiếp tục tăng và hành vi, hoạt động càng ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để lại nỗi đau cho gia đình, cho người thân.

'"Chúng ta tiếp tục áp dụng hình phạt này cho phù hợp với tính chất răn đe đối với hành vi phạm tội. Nếu thay thế hình phạt này bằng tù chung thân không xem xét giảm án thì phải cân nhắc kỹ có đủ sức răn đe hay không; có tạo kẽ hở pháp luật để cho loại tội phạm này gia tăng không, đặc biệt là chúng ta có đạt được mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu những vấn đề pháp lý”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị.

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có việc không còn hình phạt tử hình đối với 4 tội danh gồm: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Riêng về dự kiến không còn hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ, tình hình trên thế giới và trong nước hiện nay đối với việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy cũng như hậu quả loại tội phạm này gây ra “hết sức nghiêm trọng”, ngày càng khó khăn hơn, những thử thách ngày càng lớn hơn.

“Cơ quan chấp pháp, cơ quan hành pháp đang phải hết sức vất vả để kìm hãm những tội phạm này và kịp thời phát hiện, xử lý. Thế thì chúng ta tại sao phải giảm án? Việc này là không có logic”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo đại biểu Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải thấy một vấn đề khác là chúng ta “nhân văn”, “từ bi bất ngờ” với tội phạm ma túy thì thân nhân của những nạn nhân, những người đã chết về những tội lỗi này “sẽ cảm nhận như thế nào”?

“ Với tất cả những gì chúng ta đã tuyên truyền, với thực tế cho thấy, đa số những tội phạm ma túy đều biết hậu quả sẽ như thế nào nhưng vì lợi ích, họ bất chấp”, đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phong Lan, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tán thành việc giữ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, tội hối lộ và tội vận chuyển trái phép chất ma túy. “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy là "anh em song sinh" với tội mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy. Nếu không có người sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thì làm gì có người sử dụng. Tôi đề nghị duy trì, giữ tội danh này”, đại biểu Phạm Văn Hòa thảo luận.

Cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự của cơ quan soạn thảo trình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lại cho rằng, việc không áp dụng hình phạt tử hình mà thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xem xét giảm án là rất cần thiết, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước, nhưng cũng đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe cao, vừa thể hiện sự cách ly lâu dài với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời phân hóa rõ ràng đối với hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xem xét giảm án.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hoặc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình ở mức tối đa. Việc sửa đổi này cũng thể hiện chính sách tiến bộ và nhân đạo tại Việt Nam. Đặc biệt là với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và không hiệu quả. Trên thực tế, với một số tội danh hầu như không áp dụng.

Đại biểu phân tích, sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy là hai hành vi có tổ chức, mang lại lợi nhuận cao và thường gắn với các đường dây tội phạm ma túy quốc tế. Trong khi đó, với hành vi vận chuyển thì nhiều trường hợp là do bị lợi dụng, hoặc thiếu hiểu biết pháp luật hình sự, “bị thúc bách về nỗi lo cơm áo, đói nghèo”, hoặc phần đông là người yếu thế trong xã hội, bị dụ dỗ và không nắm được đầy đủ bản chất của những hoạt động phi pháp.

Trên thực tế có những người chủ mưu vừa sản xuất, buôn bán vừa vận chuyển trái phép chất ma túy thì những người này đã bị xử lý hình sự với mức án tử hình với tội buôn bán và sản xuất trái phép chất ma túy. Do đó, việc bỏ mức án tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, theo đại biểu là “phù hợp và phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt. Đồng thời cũng mở ra cơ hội khoan hồng cho những người có khả năng cải tạo, những người thiếu hiểu biết" - đại biểu Việt Nga thảo luận.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-can-nhac-bo-hinh-phat-tu-hinh-voi-toi-van-chuyen-trai-phep-chat-ma-tuy-20250527115826788.htm

OSZAR »